Ngược miền sơn cước, chúng tôi ấn tượng với những gia đình một lòng son sắt theo Đảng; những già làng tuổi xưa nay hiếm miệt mài vận động người dân hiến đất mở đường; những đảng viên gốc Lào truyền lửa qua nhiều thế hệ… Các điển hình như, già làng Hồ Sĩ Thi, Quỳnh Rêh, Quỳnh Nghề, Hồ Thanh Xoa… và câu chuyện xây dựng Đảng, phát triển kinh tế, từng bước tạo ra trang sử mới cho nơi từng là căn cứ địa cách mạng.

Những con người thiên di năm nào đang là chứng nhân cho cuộc đổi thay. Họ thuộc lớp người đầu tiên theo Đảng, góp phần biến vùng “rừng thiêng nước độc” trở nên trù phú. Trong đó, nhiều gia đình gốc Lào có hàng chục đảng viên qua 3 thế hệ.

Già làng Quỳnh Rêh là một trong những tấm gương tiêu biểu của A Lưới trong việc học Bác

Già Thi hồi ức chiến tranh bằng cách “khoe” bộ phận máy bay mà ông bắn rơi

Nhiều đảng viên già làng tại miệt núi một lòng theo Bác, đổi họ Hồ để ghi nhớ công ơn của vị cha già kính yêu

Già làng Quỳnh Rêh là một trong những tấm gương tiêu biểu của A Lưới trong việc học Bác

Già Thi hồi ức chiến tranh bằng cách “khoe” bộ phận máy bay mà ông bắn rơi

Nhiều đảng viên già làng tại miệt núi một lòng theo Bác, đổi họ Hồ để ghi nhớ công ơn của vị cha già kính yêu

Cuộc gặp bất ngờ! Tai ông đã lãng, nhưng giọng hẳng còn khỏe. Âm thanh cuộc trò chuyện trong ngôi nhà sàn vang vọng giữa không gian. Ngoài kia, mưa rả rích…

Già Quỳnh Rêh mở cửa sổ để ánh sáng hắt vào. Thao tác ấy không chỉ lấy sáng tự nhiên mà qua khe cửa ông hướng ánh mắt về phía bên kia ngọn núi, nơi tổ tiên từng cư ngụ.

Hỏi đến tuổi, già Rêh xua tay, ông lần giở những tấm bằng khen mà Đảng, Nhà nước trao tặng được gói cẩn thận trong lá cờ Tổ quốc để tôi biết chính xác. 90 tuổi - nhưng trí nhớ của già, lẽ chừng chưa đủ mùa lúa rẫy mà mình đã trải qua.

Tổ tiên già Rêh người gốc Lào. Chuyện quá vãng nên già không nhớ rõ năm tháng, chỉ biết rằng, dọc dãy Trường Sơn, không chỉ ông mà hàng loạt đồng bào dân tộc Pa Kô, Tà Ôi, Cơ Tu… di cư tự do qua vùng giáp biên. “Không như chừ có những cột mốc biên giới rõ ràng, ngày trước vì cái ăn cái mặc, vùng đất mô trù phú, thuận lợi làm rẫy, nuôi heo thì chúng tôi tìm đến”, già Rêh nói.

Ông đã cùng gia đình khai hoang một vùng rộng lớn, gieo từng hạt bắp, trồng từng luống sắn... Trên vùng đất ấy bây giờ, những con đường bê tông hình bàn cờ nối từ đường Hồ Chí Minh về phía chân núi; lưng chừng đồi rẫy bắp xanh bạt ngàn… “Không chỉ tôi mà lớp người ngày trước từ Lào đến đây mưu sinh rồi định cư. Bây giờ, nơi tôi dang sống – thôn A Đeeng Parlieng 2, xã Trung Sơn, huyện A Lưới là đất mẹ”, già Quỳnh Rêh bày tỏ.

Sau giải phóng, đồng bào dân tộc thiểu số ở phía tây Thừa Thiên Huế được Nhà nước vận động tái định canh, định cư. Dẫu không có con số cụ thể nhưng trong số đó, đồng bào gốc Lào không ít.

Gặp được già làng Hồ Sĩ Thi (thôn Ta Rung, xã Hương Sơn, huyện Nam Đông) không dễ. Bởi, dù tuổi cao nhưng ông vẫn minh mẫn, hàng ngày bám rẫy, bám rừng…

Người đàn ông mặc áo nâu sòng hướng chỉ tay để tôi tìm già Thi trên con đường bê tông hun hút.

Hôm nay, già không lên rẫy, chỉ loanh quanh xóm giềng. “Mình tự hào là xã định canh, định cư đầu tiên của Nam Đông đạt chuẩn nông thôn mới. Đạt được danh hiệu này rất khó nhưng giữ được chuẩn càng khó hơn”, - già Thi hé lộ câu chuyện ông cùng người dân “bàn bạc” từ sáng đến tận trưa.

Người Cơ Tu, gốc Lào, họ thật là Pơloong, ông mang họ Hồ bởi một lòng vững tin theo Đảng, nhớ ơn Bác Hồ. Già Thi còn nhớ như in ngày Bác mất, dải băng tang trên ngực áo, dòng nước mắt tuôn trào, đồng bào Cơ Tu quyết định đổi họ Hồ để tưởng nhớ công ơn của vị cha già kính yêu.

Trên bàn thờ gia tiên, dưới lá cờ Tổ quốc, di ảnh của Bác được ông đặt ở nơi trang trọng nhất.

Nhắc quá khứ, ông nhớ về lần băng rừng, tìm tro cốt của tổ tiên, cất bốc từ nước bạn Lào để an táng tại “cổng trời” Hương Sơn. Già bảo, nơi mình đang sống là miền đất hứa. Vùng đất này thuận lợi cho việc định canh, định cư.

“Dẫu người gốc Lào nhưng tôi một lòng theo cách mạng, theo Bác, trọn niềm tin với Đảng. Vùng đất Hương Sơn đã cưu mang gia đình tôi suốt 3 thế hệ. Bây giờ, tuổi cao, trách nhiệm trước Đảng là phải tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước. Bản thân cũng phải là tấm gương mẫu mực để thế hệ trẻ noi theo”, già Thi tâm sự.

Trong dòng hồi tưởng về cuộc thiên di ngày trước, TS. Nguyễn Thị Sửu (nguyên Bí thư Huyện ủy A Lưới, bây giờ là Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh) là người khá tường minh. Chính bà đã có những năm tháng sinh sống ở vùng đất dọc dãy Trường Sơn. Bà đã đi từng bản làng kiếm tìm cứ liệu về đồng bào các dân tộc thiểu số, viết thành sách. “Những đồng bào dân tộc thiểu số tại Nam Đông, A Lưới ngày trước di cư từ đất Lào đến phía tây Thừa Thiên Huế định cư, lập làng, mang những bản sắc văn hóa tốt đẹp đến vùng đất này. Điều quan trọng là họ một lòng theo cách mạng, theo Đảng. Nhiều già làng bây giờ là đảng viên, rường cột bản làng”, bà Sửu cho biết.

Già Rêh, già Thi hai người mà tôi chuyện trò đều là những tấm gương mẫu mực, những bộ đội từng cầm súng chiến đấu năm xưa, và là những đảng viên kiên trung trong gia đình hàng chục đảng viên…

Nhắc đến cách mạng, đôi mắt già Rêh rực sáng, bởi đó là những năm tháng hào hùng, không quên. Từng là bộ đội chống Pháp, chống Mỹ, già dẫn dắt câu chuyện đến với cách mạng bằng sự kiện các già làng, trưởng bản từ miền Nam ra Hà Nội gặp Bác Hồ từ năm 1955 - 1959,  trong những chuyến đi ấy, A Lưới có 10 người.

“Bác ân cần dặn dò các già làng, con đường giải phóng dân tộc là đem lại ấm no, hạnh phúc…nên khi được tuyên truyền, chúng tôi một lòng lòng theo Đảng, sáng mãi niềm tin với Bác”, già Rêh thổ lộ.

Không biết bao nhiêu lần già Rêh nằm gai nếm mật, bao nhiêu chiến công trên chiến trường lúc đất nước còn gian nguy. Già Rêh xua tay, Tổ quốc đã ghi nhận bằng những huân chương, huy chương, nhắc quá khứ bây giờ sẽ khó đủ đầy.

Điều già Rêh nhớ nhất trong thời chiến đó là nhiều gia đình đồng bào dân tộc thiểu số nhường khoai, sắn, san sẻ gạo, cơm cho bộ đội. Những ngôi nhà đơn sơ trở thành căn cứ địa cách mạng. “…Và tôi tự hào nhất là được đứng vào hàng ngũ của Đảng năm 1968”, già Rêh xúc động.

Già Rêh đã 54 năm tuổi Đảng! Tiếp bước tấm gương của già, nhiều thế hệ con cháu cũng là đảng viên. “Gia đình tôi hơn 20 đảng viên. Tôi luôn răn dạy mấy đứa trẻ rằng, được đứng vào hàng ngũ của Đảng là niềm tự hào, dưới lá cờ Đảng phải là tấm gương sáng”, già Rêh chia sẻ.

Tương tự già Rêh, già Thi cũng đã 56 năm tuổi Đảng, số lượng đảng viên của gia đình già hơn hai chục.

Gợi lại lịch sử bằng cách cho tôi xem xác của bộ phận máy bay được ông bắn rơi trong những năm tháng chiến tranh rồi nói: “Kỷ vật ấy minh chứng cho khoảng thời gian không thể nào quên”.

Nhận xét về già Thi, Bí thư Đảng ủy xã Hương Sơn Hồ Sĩ Đét nói gọn: “Ông là tấm gương đảng viên mẫu mực. Từng tham gia hai cuộc kháng chiến, ông thấm nhuần lời dạy của Bác, trong thời bình, ông cũng là điển hình của bản làng. Gia đình ông hiện cũng có hàng chục đảng viên”.

Ông Hồ Thanh Xoa bên tấm Huân chương Đại đoàn kết dân tộc do Chủ tịch nước trao tặng

Đồng bào dân tộc thiểu số gốc Lào thiên di về vùng đất bây giờ một màu xanh tươi

Già làng Hồ Sĩ Thi là người vinh dự được dự Đại hội Đại biểu toàn các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II

Ông Hồ Thanh Xoa bên tấm Huân chương Đại đoàn kết dân tộc do Chủ tịch nước trao tặng

Đồng bào dân tộc thiểu số gốc Lào thiên di về vùng đất bây giờ một màu xanh tươi

Già làng Hồ Sĩ Thi là người vinh dự được dự Đại hội Đại biểu toàn các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II

Lần gặp lại này, cuộc nói chuyện giữa ngày mưa cứ cũ, ông vẫn một lòng đau đáu với dân, với nước. Là người trung kiên, một lòng theo Đảng, nhiều thế hệ con cháu ông bây giờ cũng là đảng viên, đang góp phần xây dựng quê hương. Ông là Hồ Thanh Xoa (thôn A Diên, xã A Ngo, huyện A Lưới), từng là Trưởng ban Dân vận Huyện ủy A Lưới; Ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhiệm kỳ VI, VII. Năm 2009, ông được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Đại đoàn kết dân tộc.

Nhắc già Xoa cần ngược dòng hơn 40 năm trước, khi những người Kinh đầu tiên đặt chân đến miền ngược, đó là tại vùng đất thuộc xã Hương Phong (huyện A Lưới) bây giờ. Khi di cư, với họ, nỗi lo cơm áo gạo tiền luôn hiển hiện…

Và hơn 20 năm sau ngày dân định cư, tổ chức cơ sở Đảng tại xã Hương Phong vẫn là con số không. Lúc ấy, địa phương này đã có hơn 200 hộ với 800 nhân khẩu và là xã “trắng” đảng viên duy nhất trên toàn quốc.

Già Xoa đến Hương Phong năm 1994, trước ông, nhiều cán bộ cũng được “nhận lệnh” về vùng đất này gầy dựng tổ chức cơ sở đảng nhưng đều…thất bại.

“Người dân tộc thiểu số, đến vùng đất mới để vận động người Kinh vào Đảng, liệu có …nghịch lý?”, tôi vu vơ chứ không đặt câu hỏi trực diện cho ông. Ông gật đầu: “Rất ái ngại! Không chỉ thế mà lúc đó tôi chỉ là cán bộ Ban Dân vận Huyện ủy A Lưới”.

Cách của già Xoa đặt nền móng cho tổ chức cơ sở Đảng chỉ có hai từ: Gần dân! “Muốn là đảng viên trước hết phải no cái bụng”, già Xoa nói.

Vốn là người Tà Ôi, hiểu rõ vùng đất nơi miền sơn cước nên các mô hình kinh tế, các kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt miệt núi ông hiểu trong lòng bàn tay. Không chỉ vậy, ông còn tham khảo từ những cán bộ chuyên môn để tuyên tuyền đến người dân.

Theo ông Xoa, một phần nguyên nhân khó kết nạp Đảng tại vùng đất này là bởi lịch sử chính trị của quần chúng. Đa số quần chúng có gốc gác tận Quảng Bình, Nam Định, Nghệ An nên việc xác minh lý lịch rất khó khăn. Trước thực tế đó, khi lựa chọn được quần chúng ưu tú, ông trực tiếp rong ruổi hàng tháng trời ra Bắc, vào Nam để xác minh lý lịch. “Sau bao nỗ lực, cuối cùng 4 quần chúng đủ điều kiện được kết nạp vào Đảng, rồi phát triển dần, tiến đến thành lập Chi bộ xã Hương Phong. Chấm dứt việc “trắng” đảng viên tại xã cuối cùng trên toàn quốc”, ông Xoa nhớ lại.

Những già làng đảng viên từng thiên di năm nào, thời chiến dành hết tuổi xuân cho cách mạng, thời bình là hạt nhân các phong trào. Chuyện già Thi, già Rêh, già Xoa tựa như cánh chim rừng không mỏi…

Nội dung: LÊ THỌ

Ảnh: QUỲNH VIÊN

Trình bày: QUANG THIỀU