Niềm tin dưới lá cờ Đảng

Kỳ 2: Già làng đi trước, làng nước theo sau

Các già làng – gạch nối giữa quá khứ và hiện tại

Các già làng – gạch nối giữa quá khứ và hiện tại

Vẫn là già Thi, già Xoa, già Rêh…nhưng chuyện tôi tiếp tục kể về họ chỉ là lát cắt nhỏ và đẹp giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vỹ...

Cơ ngơi khang trang của Trường mầm non Bắc Sơn được xây trên khu đất già Rêh hiến

Các cháu Trường mầm non Bắc Sơn trong giờ sinh hoạt

Từ diện tích đất già Rêh hiến, các cháu tại địa phương có điều kiện học hành tốt hơn

Những con đường bê tông thẳng tắp, được mở trên khu đất ngày trước gia đình già Rêh khai hoang

Cơ ngơi khang trang của Trường mầm non Bắc Sơn được xây trên khu đất già Rêh hiến

Các cháu Trường mầm non Bắc Sơn trong giờ sinh hoạt

Từ diện tích đất già Rêh hiến, các cháu tại địa phương có điều kiện học hành tốt hơn

Những con đường bê tông thẳng tắp, được mở trên khu đất ngày trước gia đình già Rêh khai hoang

Chén trà đặc quánh, hơi nóng làm tiết trời se lạnh dần ấm, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Trung Sơn Dương Minh Năm mở đầu câu chuyện bằng niềm tự hào về một trường mầm non trên địa bàn xã. Ông bảo, đây là ngôi trường bậc mầm non đẹp nhất, khang trang nhất trên địa bàn huyện, thậm chí là tỉnh. “Để xây được ngôi trường này già Rêh và gia đình đã hiến khoảng 1ha đất”, ông Năm tiết lộ.

Ngay lập tức, tôi đề xuất tạm dừng câu chuyện và được Bí thư Xã đoàn Trung Sơn Hồ Thị Môm dẫn đi thăm ngôi trường.

Một ngôi trường khang trang, tọa lạc trên khu đất rộng khiến hình ảnh những trường học lụp xụp, tạm bợ của các huyện vùng cao trong cả nước ẩn khuất phía đằng sau. Và độ mấy thập kỷ trước, chính tại hai huyện miền núi Nam Đông và A Lưới, hình ảnh ấy cũng khiến bao người xót xa.

Tiếng trẻ bi bô đọc chữ, những bài hát thiếu nhi tựa tiếng chim hót giữa rừng xanh. Chính từ nơi đây, những mầm xanh bắt đầu nhú. “Điều kiện dạy và học hiện nay đã tốt hơn trước rất nhiều nếu không muốn nói là ngang với đồng bằng. Các cháu có môi trường học tập thuận lợi sẽ là cơ hội để phát triển tốt trong tương lai. Nhiều thế hệ giáo viên của trường không quên đóng góp của già Rêh và gia đình ngày trước, đó là điều kiện để có ngày hôm nay”, Hiệu trưởng Trường mầm non Bắc Sơn - cô Trần Thị Hà tâm sự.

Vẫn câu nói cũ, già Rêh bảo, chính ánh sáng của Đảng, niềm tin với Bác Hồ khiến già “cắt” đất ngay sau khi được cán bộ xã mở lời. Mảnh đất ông hiến không chỉ là tài sản có thể mang đến thu nhập hàng chục triệu đồng/năm mà nơi đó chứa đựng những ký ức gian lao của những ngày đầu định cư.

Không chỉ hiến đất xây trường, già Rêh còn hiến hàng ngàn mét đất để mở đường giao thông nông thôn. Hóa ra, những con đường bê tông hình bàn cờ, nối đuôi về phía chân đồi cũng mang trong mình ký ức của gia đình đảng viên gốc Lào.

“Một thời gian dài, con chữ xa lạ với đồng bào vùng cao huyện A Lưới. Nhiều gia đình, nhiều thế hệ mù chữ khiến khoảng cách với miền xuôi ngày càng lớn. Dẫu đó là mảnh đất tôi đổ bao công sức khai hoang để trồng keo phát triển kinh tế, nhưng khi hiến xong tôi lại cảm thấy niềm vui như được nhân đôi. Đất bây giờ không trồng cây nữa mà trồng…người”, già Rêh thổ lộ.

Việc làm của già Rêh không chỉ là chìa khóa mở cánh cửa cho các em đến trường mà còn gỡ khó cho chính quyền xã lúc bấy giờ.

Theo lãnh đạo xã Trung Sơn, lúc ấy, nếu không có mặt bằng xây trường mới, nguồn ngân sách của huyện sẽ được bố trí cho địa phương khác, điều đó đồng ngĩa với các cháu ở Trung Sơn vẫn học tạm bợ. “Già làng Quỳnh Rêh là người tiên phong hiến đất xây trường, làm đường, nhờ vậy mà nhiều người noi theo già Rêh, tự nguyện đóng góp cong lao động, hiến đất để phục vụ xây dựng chương trình nông thôn mới. Hiện, đường liên thôn trong toàn xã đều được bê tông hóa”, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Trung Sơn Dương Minh Năm tự hào.

Hơn chục năm trước, trong lần ngược núi đầu tiên, tôi có dịp dự đám cưới của một gia đình đồng bào dân tộc thiểu số. Vẫn biết tục “thách cưới” có từ ngàn xưa, là truyền thống, có tính ràng buộc, song tôi thực sự choáng ngợp với những lễ vật. Vừa mở lời về chuyện này, ông Hồ Thanh Xoa (thôn A Diên, xã A Ngo, huyện A Lưới) nắm chặt tay, cười: “Có phải chú nhắc chuyện lễ vật rước vợ phải có 9 con vật 4 chân; chiếu, zèng, chiêng ché; gà, vịt, cá suối… Đám cưới tổ chức mấy ngày liền hay không?”

Lời cắc cớ ông Xoa khiến cuộc trò chuyện rơi vào lặng thinh, lúc ấy không hiểu suy nghĩ của ông thế nào nhưng với tôi, hình ảnh những gia đình nghèo vùng cao “đánh vật” với khoản nợ khó trả sau khi dựng vợ gả chồng cho con lập tức hiện ra...

Dòng ký ức được ông Xoa tiếp tục, lúc thời điểm ông còn đương chức – Trưởng ban Dân vận Huyện ủy A Lưới...

Đó là những lần ông đến từng bản làng, gặp gỡ già làng, trưởng họ để phổ biến luật pháp và xây dựng quy ước làng văn hóa. Khi ấy, không chỉ tục “thách cưới” mà tảo hôn, hôn nhân cận huyết là vấn nạn nhức nhối tại huyện vùng cao A Lưới.

Như lời ông kể, những vấn nạn và hủ tục ấy không dễ dàng xóa bỏ. Việc xoay chuyển nhận thức đã ăn sâu qua nhiều thế hệ cần cái uy của người cán bộ lẫn sự đồng thuận của người dân. “Người đồng bào thời điểm ấy không biết tảo hôn là gì, hôn nhân cận huyết ra sao nên không dễ vận động.

Tôi phải dẫn chứng nhiều trường hợp vì vấn nạn này khiến con cái bệnh tật, gia đình nghèo túng. Việc tuyên truyền phải lặp đi lặp lại nhiều lần theo kiểu “mưa dầm thấm lâu.”, già Xoa bày tỏ, và tiếp lời: “Dân phải no cái bụng mình mới tuyên truyền”...

Những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước đã giúp nhiều mô hình kinh tế len lõi vào từng hộ dân vùng cao. Cái nghèo vẫn còn đeo bám, nhưng dân phần nào bụng đã no. Ông Xoa xem đó là những “cuộc cách mạng” thành công từ sự đồng thuận của người dân.

Ông còn nhớ như in chính sách “tách hộ lập vườn” của tỉnh đối với đồng bào dân tộc thiểu số vào những thập niên 90.

Chuyện là, sau khi lối người dân định cư trên vùng đất mới, sinh kế cũng cần thay đổi bởi họ không còn lang bạt dọc dài biên giới để mưu sinh với những căn nhà tạm bợ, “di cư”. Dù vậy, văn hóa sống cùng nhau trong cùng một ngôi nhà dài của người đồng bào vẫn tồn tại, điều này gây trở lực trong phát triển kinh tế, tạo ra tâm lý ỉ lại trong một bộ phận người dân.

“Được tổ chức phân công, tôi lại ròng rả mấy tháng trời, đi cả thảy 50 ngôi làng để vận động người dân thực hiện chính sách “tách hộ lập vườn”.

Ngoài thuyết phục bằng cách yêu cầu đảng viên tiên phong, khen thưởng cho những gia đình thực hiện nhanh, chúng tôi còn hỗ trợ và con cây, con giống, hướng dẫn cách trồng trọt chăn nuôi. Khoảng 1 năm sau, việc tách hộ, lập vườn cũng được hoàn tất, người dân ổn định cuộc sống”, ông Xoa nói.

Già làng Quỳnh Nghề (ngoài cùng bên phải) cùng lực lượng biên phòng canh giữ cột mốc nơi biên cương

Nhiều mô hình kinh tế mới được triển khai tại huyện Nam Đông

Già làng Quỳnh Nghề (ngoài cùng bên phải) cùng lực lượng biên phòng canh giữ cột mốc nơi biên cương

Nhiều mô hình kinh tế mới được triển khai tại huyện Nam Đông

Trở lại với câu chuyện cùng Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Trung Sơn Dương Minh Năm về những già làng, ông bảo: Sau khi sáp nhập từ hai xã Hồng Trung và Bắc Sơn, Trung Sơn là một trong những địa phương có nhiều già làng uy tín nhất toàn huyện.Trong đó, những đảng viên già làng không chỉ mang trong mình ký ức của một thời oanh liệt mà còn là người “giữ lửa” cho văn hóa vùng cao. Hơn hết mỗi già làng đang là một “cột mốc sống” trên dải biên cương.

Qua lời giới thiệu của ông Năm, cuộc chuyện trò với già Quỳnh Nghề (thôn A Nieng Lê Trieng 1, xã Trung Sơn, huyện A Lưới) chủ yếu xoay quanh đến việc canh giữ biên cương. Hơn ai hết, đảng viên Quỳnh Nghề hiểu giá trị mỗi tấc đất quan trọng đến nhường nào. Chính ông cũng là người di cư khi biên giới chưa rõ ràng, và cũng chính ông là người lựa chọn vùng đất mình sinh sống hôm nay, đặc biệt, ông cũng là người trực tiếp cầm súng chiến đấu giữ từng thớ đất của non sông. “Cả cuộc đời tôi dành trọn cho vùng đất này. Bây giờ, với tôi canh giữ biên cương là điều thiêng liêng nhất”, ông chắc nịch.

Ý niệm ấy khiến ông rong ruổi khắp các bản làng mấy chục năm trời để trò chuyện, vận động mọi người thực hiện nghiêm việc bảo vệ đường biên, mốc giới. Bất kể mưa nắng, ông cùng bộ đội biên phòng tuần tra, canh giữ nơi biên cương, lau chùi cột mốc.

Ông không tự nhận xét về việc làm của mình, chỉ nói: “Mỗi lần chào cờ dưới cột mốc, tôi lại rưng rưng!”.

Theo ông Dương Minh Năm, được sự vận động của già Quỳnh Nghề, hiện 100% hộ gia đình ở thôn A Nieng Lê Trieng 1 đều tham gia tổ tự quản đường biên, cột mốc. Hàng tháng, các tổ tự quản thay phiên nhau, phối hợp với tổ công tác biên phòng tuần tra dọc đường biên, cột mốc…

Trong tâm thức của đồng bào dân tộc thiểu số, già làng là danh xưng cao quý, thể hiện uy tín của người cao tuổi. Trong số hơn trăm già làng vùng cao, nhiều người từng là cán bộ địa phương, là đảng viên gương mẫu. Khi thôi việc nước, họ về với gia đình, bản làng…

Trên con đường dẫn đến “cổng trời” Hương Sơn, tôi ấn tượng với màu xanh bạt ngàn cao su, cây keo, chuối…Để có một màu xanh ấy là cả một quá trình tuyên truyền, vận động người dân thực hiện theo chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Hương Sơn giờ là xã nông thôn mới, thu nhập bình quân của người dân đã đạt trên hàng chục triệu đồng/năm/người.

Già Hồ Sĩ Thi (thôn Ta Rung, xã Hương Sơn, huyện Nam Đông) hồi tưởng về chuyện song song với việc trồng rừng, ông hướng dẫn bà con trồng xen canh các loại cây ngắn ngày như sắn, dứa... nhằm tận dụng nguồn đất và đảm bảo sự đa dạng nông sản để cung ứng cho thị trường. Ông bảo, muốn dân tin, mình phải thực hiện trước. Khi gia đình ông thu về hàng trăm triệu đồng từ thực hiện các mô hình trồng keo, cao su, nuôi cá…thì dân mới tin. “Đời sống đồng bào dân tộc miền núi đã có những chuyển biến rõ nét. Nhiều mô hình phát triển kinh tế mới xuất hiện, người dân từng bước thoát nghèo.Không chỉ tôi, những đảng viên tại địa phương đang tiếp nối, trở thành người tiên phong thực hiện các chính sách đúng đắn của để người dân noi theo”, già làng Hồ Sĩ Thi cho biết.

Ấn tượng với tinh thần đoàn kết của bà con dân bản

Ngày trò chuyện với ông Huỳnh Công Quảng, nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy khi nhậm chức Bí thư Huyện ủy A Lưới, tôi có đặt vấn đề về điều gì khiến ông ấn tượng nhất khi nhận nhiệm vụ mới tại nơi sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. Ông Quảng đáp không suy nghĩ, đó là tinh thần đoàn kết toàn dân. Người dân một lòng theo Đảng, đặt trọn niềm tin với Bác Hồ. Trong đó, các đảng viên già làng là hạt nhân để tuyên truyền các chính sách; chính họ cũng là những kho tàng văn hóa đồ sộ của dân tộc mình và ánh sáng đang được chuyển tiếp qua nhiều thế hệ…

Nội dung: LÊ THỌ

Ảnh: QUỲNH VIÊN - CTV

Trình bày: NGUYỄN QUÂN